Bà Rịa-Vũng Tàu ưu tiên phát triển nuôi trồng thủy sản công nghệ cao

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phấn đấu đến năm 2025, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 20.000 tấn/năm. Tỉnh cũng đặt mục tiêu đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, nuôi trồng thủy sản lồng bè trên biển, ven biển và hải đảo.

Nhằm phát triển nuôi trồng thủy sản hiệu quả, bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm thủy sản, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Chỉ thị Quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ. Quyết định này quy định việc ban hành Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

 

Theo đó, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025 tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 20.000 tấn/năm; chủ động sản xuất, ương dưỡng để cung cấp đủ giống thủy sản chất lượng cho các đối tượng nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) và các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao khác; ưu tiên phát triển nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, nuôi lồng bè trên biển, ven biển và hải đảo; khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản có tính chất giải trí, mỹ nghệ, trang sức theo hướng sản xuất hàng hóa phục vụ du lịch và xuất khẩu; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ, đảm bảo ổn định đầu ra cho trên 30% sản lượng thủy sản; xây dựng và triển khai kế hoạch quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi trồng thủy sản; xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản.

 

Bà Rịa-Vũng Tàu ưu tiên phát triển nuôi trồng thủy sản công nghệ cao

 

Ứng dụng công nghệ cao giúp cân bằng bài toán hiệu quả kinh tế - môi trường trong nuôi trồng thủy sản.

Cùng với đó, đến năm 2030, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 23.000 tấn/năm; chủ động sản xuất, nuôi trồng nhằm cung cấp đầy đủ giống thủy sản có chất lượng cho các đối tượng nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng), các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao; nâng cao chất lượng giống các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, sản lượng hàng hóa lớn; phát triển nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, nuôi lồng bè trên biển, ven biển và hải đảo; phát triển nuôi trồng thủy sản giải trí, mỹ nghệ, trang sức theo hướng sản xuất hàng hóa phục vụ du lịch và xuất khẩu; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ, đảm bảo ổn định đầu ra cho trên 50% sản lượng thủy sản; xây dựng và triển khai kế hoạch quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi trồng thủy sản; xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản.

 

Ngoài ra, tỉnh cũng có kế hoạch thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Phát triển sản xuất giống thủy sản; phát triển nuôi trồng thủy sản; đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản; phát triển hệ thống sản xuất, cung ứng vật tư và công nghiệp hỗ trợ nuôi trồng thủy sản; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tổ chức sản xuất; nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng thủy sản.

 

Mặt khác, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng như điều kiện thực tế của địa phương để triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch. Tỉnh sẽ triển khai kế hoạch hành động phát triển nuôi trồng thủy sản; theo lộ trình cụ thể đảm bảo phát triển nuôi trồng thủy sản hài hòa với phát triển các ngành kinh tế khác, tránh chồng chéo, mâu thuẫn trong không gian quy hoạch chung của tỉnh; bố trí nguồn lực, kinh phí bảo đảm thực hiện, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch.

Nguồn Vasep