Những lưu ý cho các doanh nghiệp khi xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc

Trung Quốc đã vươn lên trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam sau Hoa Kỳ. Để xuất khẩu bền vững vào thị trường tiềm năng này, các chuyên gia đưa ra nhiều lưu ý cho doanh nghiệp về gia hạn đăng ký, kiểm tra mã HS.

Thị trường tiềm năng

Phát biểu tại Diễn đàn trực tuyến “Xúc tiến thương mại nông, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam và Trung Quốc” được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong giai đoạn 2018 - 2022, thương mại thủy sản giữa Việt Nam và Trung Quốc tăng trưởng mạnh nhất ở các thị trường chính. Từ vị trí thứ 3, Trung Quốc đã vươn lên trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ.

Theo ông Nam, từ năm 2018-2022, các mặt hàng thủy sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc nhiều nhất gồm cá tra, tôm, cá các loại (cá cơm, cá hồi, chả cá, cá bò), mực, bạch tuộc, ghẹ và các loại giáp xác. Trong đó, cá tra là mặt hàng được Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất, chiếm 40-50%. Tôm là mặt hàng nhập khẩu nhiều thứ hai, chiếm 33-38%.

XK tôm sang Trung Quốc tăng trưởng cao hơn cá tra, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng và tôm hùm. Cá các loại chiếm 10-16%, tăng hơn 2 lần sau 5 năm. Mực và bạch tuộc chiếm 2-5%, chủ yếu là mực khô, sấy khô và đông lạnh. Trong đó, cua và các loại giáp xác khác tăng gấp 16 lần sau 5 năm, tăng mạnh trong 3 năm gần đây.

Top 7 sản phẩm được Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất gồm tôm, cua, cá hồi, mực, cá minh thái, cá tuyết và cá tra. Trong đó, tôm được nhập khẩu nhiều nhất vào Trung Quốc, chiếm 24% lượng và 41% giá trị trong tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc. Hàng thủy sản đông lạnh chiếm 93% về lượng và 89% về giá trị nhập khẩu.

xuất khẩu thuỷ sản

Từ những tiềm năng, lợi thế đó, ông Nguyễn Hoài Nam đề nghị phía Việt Nam cần tăng cường xúc tiến thương mại, giao thương giữa doanh nghiệp với các địa phương Trung Quốc.

“Đồng thời, cũng cần hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ xét duyệt cho DN đăng ký XK thủy sản sang Trung Quốc. Đặc biệt, các cơ quan cần cập nhật, cung cấp thông tin về nhu cầu, quy định của thị trường, địa phương Trung Quốc cho doanh nghiệp Việt Nam”, ông Nam nói.

Lưu ý đăng ký gia hạn xuất khẩu sang Trung Quốc

Liên quan đến tình hình doanh nghiệp xuất khẩu và đăng ký xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc, đại diện Cục Quản lý Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) cho biết, doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu sản phẩm. Thủy sản được thực hiện đầy đủ trên Hệ thống thương mại một cửa (CIFER) của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC).

Các cơ sở đăng ký XK các mặt hàng thủy sản sống như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ghẹ sống, tôm hùm cần được cơ quan quản lý thẩm định, chứng nhận đảm bảo điều kiện ATTP theo quy định của Trung Quốc và Việt Nam. Các cơ sở nuôi trồng, đóng gói cần được cơ quan quản lý nông lâm thủy sản địa phương kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y và được cấp mã số.

Đại diện Cục Quản lý Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc và lưu ý trong việc đăng ký xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc. Theo đó, việc xử lý, xét duyệt hồ sơ đăng ký CIFER và xét duyệt hồ sơ đăng ký bổ sung đối với cơ sở đóng gói thủy sản nguyên liệu của phía Trung Quốc thường chậm. Phía Trung Quốc cũng chậm trả lời hồ sơ đăng ký bổ sung sản phẩm của phía Việt Nam.

Một số doanh nghiệp chưa bố trí nguồn lực để thực hiện việc đăng ký trên CIFER, nhất là việc gia hạn đăng ký. Trong vòng 3-6 tháng trước khi hết hạn đăng ký, doanh nghiệp phải nộp đơn xin gia hạn đăng ký trên CIFER.

Vì vậy, các doanh nghiệp khẩn trương xin gia hạn theo quy định của GACC để không ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, hạn chế ách tắc thương mại.

Các doanh nghiệp cũng cần lưu ý, nếu muốn xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc thì phải thuộc danh sách 805 doanh nghiệp được Trung Quốc cấp phép. Nếu không, doanh nghiệp phải bổ sung hồ sơ và chờ cấp phép. Hiện Trung Quốc đã cấp 128 mã hàng hóa liên quan đến thủy sản; khi xuất khẩu, doanh nghiệp kiểm tra kỹ chứng từ, đặc biệt là mã số HS để đảm bảo tương thích trước khi thông quan.